Theo tường thuật của hãng tin Reuters, Thượng viện Mỹ đã nhanh chóng thông qua dự luật nói trên vào hôm 27/10, và đây được ghi nhận là nổ lực đầu tiên và quan trọng của Quốc hội nước này trước cuộc chiến chống lại các hành vi tấn công máy tính và không gian mạng vốn dĩ đang ngày một gia tăng nhằm vào các doanh nghiệp lẫn cơ quan chính phủ trong vài năm trở lại đây.
Dự luật Chia sẻ Thông tin An ninh mạng, về cơ bản sẽ mở rộng khả năng được ưu tiên bảo vệ cho các doanh nghiệp Mỹ đồng ý chia sẻ dữ liệu liên quan đến các mối đe dọa an ninh không gian mạng với chính phủ, đã được thông qua với 74 phiếu thuận, 21 phiếu chống với sự ủng hộ mạnh mẽ của phần lớn các thượng nghị sỹ của cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Ảnh minh họa.
Hồi tuần trước, Nhà Trắng từng đưa ra tuyên bố hỗ trợ dự án luật của Thượng viện, tức Dự luật Chia sẻ Thông tin An ninh mạng - CISA, dù khi đó cơ quan này không quên nhắn nhủ rằng dự án luật này cần điều chỉnh vài điều khoản trước khi đệ trình lên Tổng thống Barack Obama ký ban hành.
Được biết, để có hiệu lực, dự luật CISA cần phải được thống nhất về nội dung với hai bản dự luật chia sẻ thông tin tương tự vốn đã được Hạ viện Mỹ phê chuẩn từ trước.
CISA, vốn dĩ là một dự luật từng phải mòn mỏi chờ đợi trong suốt nhiều năm qua tại Thượng viện Mỹ bởi sự xuất hiện của hàng loạt lo ngại từ các nhóm bảo vệ tính riêng tư, bảo mật cho rằng dự luật sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp đưa nhiều thông tin cá nhân của người dùng hơn đến với các cơ quan công quyền như Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) hay các tổ chức mật vụ khác thuộc chính phủ.
Mặc dù đã được thông qua, nhưng vài thượng nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật CISA vẫn không ngần ngại nói rằng đây chỉ là một "bước đi nhỏ và đầu tiên" để vực dậy sức phòng thủ trên không gian mạng của nước Mỹ trước tình trạng bị tấn công liên tục bởi các nhóm hacker đến từ Nga, Trung Quốc.
Thậm chí, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện là Harry Reid hôm ngày thứ Ba 27/10 cho biết CISA là "quá yếu."
Theo PCWorldVN: 28/10/2015